CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI                                                                                                                     CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI
date

Xứ Thanh trên “con đường di sản” miền Trung

Đăng lúc: 18:19:57 23/05/2018 (GMT+7)

Nói đến “con đường di sản” miền Trung là nói đến những nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chămpa... từng phát triển đến đỉnh cao rực rỡ, mà hào quang nó để lại còn phản chiếu lấp lánh trong đời sống vật chất lẫn tinh thần con người và miền đất này. Trên con đường đặc biệt ấy, xứ Thanh là điểm khởi đầu, cũng là điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa châu thổ Bắc bộ và Trung bộ.

disan1.jpg
Di sản văn hóa phi vật thể Trò Xuân Phả
 
“Nguồn riêng” giữa “dòng chung”
 
Miền Trung, cái dải đất mảnh mai cõng trên mình vô số núi non, đèo dốc, sông suối, cồn cát, gió Lào, nắng cháy, giông bão... tưởng chừng như đã cõng hết mọi sự khắc nghiệt của tự nhiên mà tồn tại qua  hàng chục thế kỷ. Lịch sử từng đi qua dải đất này và để lại một vệt dài những “ấn ký” từ vô số cuộc xung đột Đàng Trong – Đàng Ngoài giữa các vương triều, vua chúa mà dấu ấn sâu đậm nhất hẳn phải kể từ thời chúa Nguyễn “mang gươm đi mở cõi”, đến khi triều Nguyễn bước khỏi vũ đài chính trị, cũng là kết thúc thời kỳ quân chủ phong kiến Việt Nam. Để rồi, như một một sự sắp đặt của định mệnh, “vùng biên viễn” miền Trung ngày càng được kéo giãn về phương Nam, trở thành “trạm trung chuyển” hay “đất đứng chân” trên hành trình Nam tiến. Để rồi, cũng chính sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử là cơ sở cho sự hình thành một vùng văn hóa riêng biệt, mang một “màu” riêng khó trộn lẫn với các vùng, miền khác. 
 
Từ môi trường sinh thái nhân văn với các thiết chế xã hội, gia đình, dòng họ, cộng đồng đến các hoạt động kinh tế truyền thống là cơ sở cho sự kết tinh qua thời gian các giá trị văn hóa vật chất ẩm thực, kiến trúc nhà ở, y phục, trang sức... ghi đậm dấu ấn tư duy, lối ứng xử của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa tinh thần lấp lánh triết lý sống giàu tính nhân văn, thể hiện qua các tập tục, lễ nghi, lễ hội... Tất cả đã góp phần làm nên những “bộ gien” văn hóa quý, có khả năng biểu trưng một cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của những tộc người trên dải đất này, suốt trường kỳ lịch sử.
 
Một trong những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa miền Trung, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng nhận định, trên con đường khai phá vùng đất vốn là “cố hương” của nền văn hóa Chămpa một thời huy hoàng, với bản chất hiền hòa và lối ứng xử mềm dẻo của mình, người Việt đã tiếp nhận và Việt hóa các di sản văn hóa Chăm thành di tích văn hóa đậm chất Việt. Chính vì vậy, vùng văn hóa Trung bộ chứa đựng nhiều dấu tích văn hóa Chăm trong cả di sản vật thể như đền đài, miếu mạo và phi vật thể như tín ngưỡng thờ cúng. Bên cạnh đó là sự khúc xạ một cách đậm nét các quan niệm hay cách ứng xử với tự nhiên vào đời sống tín ngưỡng, tinh thần con người, thể hiện trong các nghi thức, lễ tế dân gian truyền thống như tế Thành Hoàng, tế Cá Ông...
 
Nếu nói văn hóa dân gian là một “thực thể sống”, gắn liền với môi trường sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng thì miền Trung có thể xem là bảo tàng “thực thể sống” ấy với một pho ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian và các tín ngưỡng, phong tục, lễ hội riêng, độc đáo, khác biệt. Dải đất thừa nắng gió khắc nghiệt này là xứ sở của các điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn đặc sắc, đặc biệt trong đó là những điệu hò, điệu ví vô cùng dân dã mà đằm thắm, trữ tình. Đi từ sông Mã xứ Thanh là điệu hò dô đầy khỏe khoắn; vào đến xứ Nghệ là điệu ví dặm vừa đau đáu, khắc khoải; là Bài Chòi dí dỏm, hồn nhiên ví như điệu hồn của người dân xứ Quảng; là khúc nhã nhạc cung đình gợi hình ảnh về một cố đô Huế hoa lệ trong quá khứ...
 
Có ý kiến cho rằng, nhìn từ góc độ hành chính thì Thanh – Nghệ - Tĩnh thuộc khu vực miền Trung, song về văn hóa thì đây là một tiểu vùng thuộc vùng văn hoá đồng bằng Bắc bộ. Cũng vì đặc điểm địa lý và xã hội ấy đã mang đến cho “gương mặt văn hóa” xứ Thanh những nét khác biệt trong diện mạo tổng thể văn hóa miền Trung. Ví như sự ra đời và tồn tại của các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, kịch nói tại Thanh Hóa, cho đến tận ngày nay, có thể xem là một minh chứng sống động về sự giao thoa và chuyển tiếp của 2 vùng văn hóa Bắc bộ và Trung bộ. Hay, nhìn xa hơn nữa, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, xứ Thanh vốn đã nằm trong không gian văn hóa Việt Cổ, lại là nơi ghi đậm dấu tích nền văn hóa Đông Sơn – một khởi nguồn của văn hóa Đại Việt, văn hóa Việt Nam hiện nay. Không gian văn hóa Đông Sơn bao trùm lên vùng văn hóa Bắc bộ và theo tiến trình lịch sử cùng bước chân đoàn quân Nam tiến mà lan truyền và in dấu trên dải đất miền Trung... 
 
Là điểm khởi đầu, cũng là điểm giao thoa giữa cái tinh tế với cái mộc mạc, giữa sự trầm lắng với nét hào sảng của hai vùng văn hóa ấy, xứ Thanh không chỉ được thiên nhiên phú cho nhiều danh thắng tươi đẹp, mà còn hàng trăm di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng, gắn với sự hưng vong của nhiều triều đại phong kiến. Bởi vậy, mảnh đất nằm gọn trong vùng văn hóa sông Mã này đã góp vào kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể miền Trung nói riêng và Việt Nam nhiều di sản và bảo vật quốc gia quý giá. Đồng thời, nhiều địa danh như Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng... từng được xướng tên trên bảng xếp hạng TOP điểm đến hấp dẫn Việt Nam. Để rồi, từ “nguồn riêng” giữa “dòng chung” ấy, Thanh Hóa tìm thấy tiếng nói cộng cảm với các địa phương nằm dọc “con đường di sản” miền Trung. 
 
Kết nối di sản 
 
Là một mắt xích trong chuỗi liên kết văn hóa khu vực, Thanh Hóa đã và đang tham gia một cách tích cực vào việc kết nối các di sản, nhằm khai thác và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Di sản vốn là tiếng nói của lịch sử và văn hóa dân tộc từ quá khứ, đang hiện hữu trong cuộc sống đương đại. Song, sự hiện hữu này sẽ là không đầy đủ ý nghĩa nếu nó không thực sự sống cùng đời sống. Năm 2015 khi tỉnh ta đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, thì việc kết nối các di sản đã có những khởi động bước đầu. Dựa trên nhiều nét tương đồng, Thanh Hóa cùng nhiều tỉnh, thành phố có di sản phần nào tìm được tiếng nói đồng điệu trong việc liên kết, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, nổi bật và khác biệt, cũng chính là đánh thức tiềm năng di sản, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc kết nối các di sản trong khu vực nếu đem lại hiệu quả còn góp phần thay đổi quan niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, bởi hợp tác cùng có lợi sẽ tạo được sản phẩm chất lượng, giảm cạnh tranh, thu hút khách. Đồng thời, việc khai thác giá trị di sản nếu được thực hiện một cách bài bản, khoa học, trên tinh thần tôn trọng và bảo vệ, mới mang lại hiệu quả bền vững.
 
Được xem là ngành có tính liên vùng, liên ngành và tính xã hội hóa cao, cho nên, liên kết phát triển du lịch là một xu hướng có tính tất yếu. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế khai thác các di sản phục vụ phát triển du lịch văn hóa – tâm linh ở tỉnh ta hiện nay, có thể thấy việc kết nối các điểm đến nhằm xây dựng được sản phẩm hấp dẫn, có tính đại diện cho khu vực vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Để xới xáo lại vấn đề này, cuối tháng 3-2018, Thanh Hóa đã tổ chức đoàn khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Đề cập đến việc liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương trong lĩnh vực du lịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã thống nhất quan điểm, giữa Thanh Hóa, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên và bề dày lịch sử văn hóa, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Mặc dù Quảng Nam đã và đang nắm giữ nhiều lợi thế, song địa phương cũng đặc biệt coi trọng việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững hơn. Theo đó, tỉnh đang thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh liên kết các địa phương để phát triển sản phẩm, thị trường và các chuỗi giá trị du lịch”; hay tham gia “Hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế: 3 địa phương – 1 điểm đến”... Chính vì lẽ đó, liên kết, hợp tác giữa Thanh Hóa – Quảng Nam – Đà Nẵng được lãnh đạo các địa phương đánh giá là “hết sức quan trọng và cần thiết trong kết nối, phát triển chuỗi du lịch Bắc miền Trung”. Đồng thời, việc hợp tác, liên kết này sẽ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch ba địa phương, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước; cũng như tăng cường khả năng hợp tác, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kết nghĩa truyền thống giữa 2 tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam. 
 
Có thể nói, với những cam kết đã được lãnh đạo các địa phương thảo luận và thống nhất tại chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm, việc kết nối các điểm đến trong khu vực, nhất là các di sản văn hóa, nhằm hình thành nên “con đường di sản” trong du lịch, thiết nghĩ, sẽ có tín hiệu khả quan. Song, để các cam kết có thể được thực thi trong thực tiễn, thì sự tham gia tích cực, trách nhiệm, đồng bộ giữa các địa phương, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp được xem là mấu chốt. 
 
Nguồn: TTO