CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI                                                                                                                     CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI
date

Đại hội lần III Hội đồng họ Lê: Rạng danh Lê tộc Việt Nam

Đăng lúc: 00:00:00 05/06/2018 (GMT+7)

Gần 11 năm triển khai các nhiệm vụ của Đại hội lần II Hội đồng họ Lê Việt Nam, Hội đồng họ Lê (HĐHL) các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực và đạt được những kết quả khả quan, từ đó phát huy sức được sức mạnh đoàn kết, làm rạng danh Lê tộc Việt Nam.

Đó là phát biểu của ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam tại Đại hội lần III (nhiệm kỳ 2018 - 2023), Hội đồng họ Lê Việt Nam diễn ra ngày 28/5/2018 tại Hà Nội.
 
Phát triển tổ chức HĐHL các cấp
 
Trong nhiệm kỳ II, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã có các mô hình tổ chức, hoạt động dòng họ có hiệu quả, định hình được các hoạt động chính, hình thành được đội ngũ làm công tác dòng họ từ trung ương đến cơ sở, với nhiều hoạt động thiết thực, đã đạt được những thành quả to lớn. Sự quan tâm của bà con dòng tộc họ Lê trên cả nước đến hoạt động dòng họ ngày càng sâu sắc hơn, với tinh thần “Đoàn kết - Phát triển - Rạng danh Lê tộc Việt Nam”.
 
holevn1.jpg

holevn2.jpg
 
Trước khi tiến hành Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam, các đại biểu đã đến Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội dâng hương kỷ niệm 590 năm ngày Đức Vua Lê Thái Tổ lên ngôi (1428 - 2018).
Phát biểu tại Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023), ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam, cho biết: “Thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ II, HĐHL Việt Nam đã mở rộng tổ chức dòng họ ra cả nước, quy ước được bổ sung, hoàn chỉnh một bước, nhiệm vụ việc họ được đề ra rõ ràng. HĐHL Việt Nam đã tổ chức gặp mặt bà con họ Lê cả nước vào các năm 2009, 2012 và 2015 tại Thanh Hóa và tại Hà Nội vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. HĐHL Việt Nam được tổ chức và hoạt động tại nhiều tỉnh thành và địa phương, bà con dòng tộc họ Lê đã tập hợp sinh hoạt tại các chi họ, dòng họ ở làng, xã, thôn, bản lên đến cấp huyện, tỉnh”.
 
“Tháng 7 - 2007, HĐHL tỉnh Thanh Hóa ra mắt, đi vào hoạt động và tổ chức thành công cuộc gặp mặt đại biểu họ Lê toàn quốc vào tháng 9 - 2007 tại Thanh Hóa. Sau cuộc gặp mặt đó, HĐHL các tỉnh, thành phố lần lượt được thành lập như: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai, ĐắkLắk, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Lê Văn Tam, cho biết thêm.
 
holevn3.jpg
 
 Đoàn Chủ tịch tham gia Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).

Tháng 7 - 2016, sau gần 3 năm soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của HĐHL các tỉnh, thành phố, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã chính thức ban hành “Quy ước của Hội đồng họ Lê Việt Nam” mới theo hướng tổ chức tinh gọn hơn, chú trọng vào các hoạt động của Hội đồng họ Lê các địa phương; Xây dựng mối liên hệ giữa Thường trực HĐHL Việt Nam với HĐHL các tỉnh, thành, bổ sung các Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) HĐHL các tỉnh, thành phố là thành viên của HĐHL Việt Nam. HĐHL Việt Nam đặt trụ sở Văn phòng tại chùa Huy Văn, TP Hà Nội, nơi có đền thờ Vua Lê Thánh Tông.
 
 holevn4.jpg
 
Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
Bước vào Đại hội III (nhiệm kỳ 2018 - 2023), cả nước đã có 34 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố có tổ chức HĐHL hoặc Ban vận động thành lập HĐHL. HĐHL Thành phố Hà Nội, Quảng Nam - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh kiện toàn ban lãnh đạo, bầu Ban thường trực mới, thực hiện các nhiệm vụ theo Quy ước của HĐHL Việt Nam. Một số HĐHL cấp tỉnh đã tiến hành đại hội nhiệm như: Nghệ An, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh…bầu lại ban lãnh đạo, củng cố, kiện toàn các ban giúp việc, bổ sung, hoàn thiện quy ước và các quy chế, đưa hoạt động dòng họ đi vào chiều sâu, thu hút được đông đảo bà con họ Lê ở các lứa tuổi tích cực tham gia. HĐHL tỉnh Quảng Bình hoàn thành đại hội họ Lê ở tất cả thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh, hoàn thành đại hội điểm ở 3 xã thuộc thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh.
 
Ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh…đã từng bước kết nối dòng họ, tiến tới thành lập Ban vận động HĐHL cấp tỉnh.
 
Tri ân tiên tổ, tìm về nguồn cội, kết nối gia phả, tham gia tôn tạo di tích dòng họ
 
Đây là một trong các hoạt động trọng tâm của HĐHL các cấp, thu hút sự tham gia đông đảo bà con dòng tộc họ Lê trong cả nước. Hoạt động tri ân hướng về các vị vua Lê có công lao to lớn với dân tộc Việt Nam, như Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, đức vua mở đầu thời đại Tiền Lê (Lê Đại Hành), đức vua anh minh bậc nhất trong các triều đại phong kiến Lê Thánh Tông, các anh hùng, liệt sĩ trong dòng họ có công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc, các danh nhân văn hóa, khoa học, các bậc tiền bối có công mở mang bờ cõi, khai phá đất mới, xây dựng làng xã, giúp dân có ruộng cày, các vị thành hoàng có công với nhân dân trong vùng.
 
 holevn5.jpg

 Ông Lê Duy Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam phụ trách các tỉnh phía Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP Hồ Chí Minh (người ngồi ngoài cùng bên trái) tham dự Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
HĐHL Việt Nam đã cùng với HĐHL tỉnh Thanh Hóa, HĐHL Thành phố Hà Nội thực hiện thành công việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông, vị vua thứ 21 trong vương triều Hậu Lê. Bà con họ Lê tỉnh Thanh Hóa đã góp tiền của, công sức xây dựng ba công trình mới: Ngọ Môn trong khu di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ, đền Thi thờ tướng quốc Lê Phúc Thành và có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo 21 di tích họ Lê được xếp hạng cấp quốc gia, 86 di tích họ Lê được xếp hạng cấp tỉnh.
 
Thanh Hóa là địa phương có số di tích họ Lê nhiều nhất cả nước, HĐHL các tỉnh, thành trên cả nước rất quan tâm đến việc góp phần bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy tác dụng tuyên truyền, giáo dục các di tích họ Lê tiêu biểu trong địa phương mình.
 
Quảng Ninh có đền thờ Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, đền thờ nữ tướng Lê Chân, tướng quân Lê Bá Đức, Ninh Bình có đền thờ Đức vua Lê Đại Hành, Nghệ An có đền thờ Lê Thái Tổ và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Hà Tĩnh có đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, thành phố Hồ Chí Minh có đền thờ Lê Lợi, Bắc Ninh có đền thờ Thái sư khai khoa Lê Văn Thịnh... Sau hơn 580 năm vua Lê Thái Tổ mất, năm 2017, con cháu họ Lê TP Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng đền thờ Đức vua tại thành phố Cảng.
 
 holevn6.jpg
 
Bà Lê Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam phát biểu tại Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
HĐHL tỉnh Quảng Ngãi đang vận động các nguồn lực và tích cực thực hiện công tác chuẩn bị để xây dựng di tích ghi nhớ công lao của Đức vua Lê Thánh Tông tại Vạn Tường. HĐHL Quảng Nam - Đà Nẵng làm xong tờ trình xin công nhận Tổ đình Mân Thái là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
 
Trong những năm qua, HĐHL Việt Nam, HĐHL tỉnh Thanh Hóa kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư pháp, Liên hiệp các tổ chức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành hữu quan tổ chức 8 cuộc hội thảo về “Lê tộc Việt Nam với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, về Đức vua Lê Thánh Tông, Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Tướng quân Nguyễn Chích và về Lê Văn Tiến với phong trào chống thuế năm 1908... HĐHL các tỉnh, thành phố đã biên soạn nhiều cuốn sách về họ Lê, trong đó HĐHL tỉnh Thanh Hóa, HĐHL Quảng Nam - Đà Năng, HĐHL tỉnh Bắc Ninh là các đơn vị tiêu bểu trong việc biên soạn, xuất bản sách về các vị vua, danh nhân họ Lê Việt Nam và những vị có công với vương triều nhà Lê.
 
Thường trực HĐHL Việt Nam cùng HĐHL tỉnh Bắc Ninh đã đi khảo sát, kiến nghị với các địa phương, các cơ quan hữu quan xem xét, nghiên cứu làm rõ những nội dung liên quan đến di tích thành Bình Lỗ tại xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất của quân và dân Đại Cồ Việt dưới triều vua Lê Đại Hành.
 
 holevn7.jpg

Các đại biểu Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành tham dự Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
Ông Lê Duy Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam phụ trách các tỉnh phía Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Các hoạt động tri ân tiên tổ, tìm về nguồn cội được tiến hành thường xuyên ở các địa phương. Đại diện HĐHL nhiều tỉnh, thành phố hàng năm đều cử đoàn đại biểu vào dự Lễ giỗ vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thánh Tông, Trung Túc vương Lê Lai, tổ chức ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang, vào Hoàng thành Thăng Long dâng hương nhân ngày giỗ của các vị vua họ Lê, cùng với Ban quản lý nhà thờ các vị họ Lê có công, nhà thờ Lê tộc ở các địa phương, góp sức, góp công tu bổ, sơn sửa trong ngoài, làm cổng ngõ mới, trang trí đẹp, sạch sẽ, xây nhà thờ mới phục vụ cho việc thờ cúng tổ tiên, động viên bà con cô bác  tham dự lễ giỗ các vị danh nhân, danh tướng, giỗ các Đức Vua là người họ Lê trên toàn quốc, thường xuyên chăm sóc đền thờ các danh nhân, người họ Lê có công với dân ở địa phương”.
 
“Công tác chắp nối gia phả trong các chi họ Lê ở cả nước chủ động hơn, từng bước đi vào nền nếp. HĐHL nhiều quận, huyện, thị ban hành nhiều tài liệu nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá hoạt động của dòng họ. Việc thông tin, chắp nối gia phả ở nhiều nơi thực hiện có kết quả thiết thực. Một số chi họ Lê đã xây dựng được gia phả 60, 50, 40… đời”, ông Lê Duy Minh, nhấn mạnh.
 
Xây dựng, phát triển Câu lạc bộ Doanh nhân họ Lê
 
Giữa năm 2017, Thường trực HĐHL Việt Nam họp, thảo luận, thống nhất triển khai thực hiện kế hoạch thành lập Ban vận động xây dựng Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân họ Lê Việt Nam. Ngày 18/11/2017, tại Hà Nội, Thường trực HĐHL Việt Nam tổ chức hội nghị trù bị thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam. Hội nghị thống nhất quyết định thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam, và ra mắt vào ngày 13- 1 - 2018. Trong ngày ra mắt, đã có 70 doanh nghiệp tham gia CLB, trong đó, HĐHL Hà Nội có 7 doanh nghiệp, HĐHL Hải Phòng có 10 doanh nghiệp, HĐHL Quảng Ninh có 5 doanh nghiệp, HĐHL Hải Dương có 3 doanh nghiệp, HĐHL Bắc Ninh có 9 doanh nghiệp, HĐHL Ninh Bình có 5 doanh nghiệp,  HĐHL Thanh Hoá có 4 doanh nghiệp, HĐHL Nghệ An có 7 doanh nghiệp, HĐHL Hà Tĩnh có 9 doanh nghiệp, HĐHL Quảng Bình có 9 doanh nghiệp, HĐHL Quảng Nam - Đà Nẵng có 3 doanh nghiệp…Ban vận động thành lập đã chỉnh sửa, hoàn thiện điều lệ, quy chế lâm thời, đồng thời soạn thảo các văn bản, thư kêu gọi, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê toàn quốc tham gia CLB, tích cực chuẩn bị để tiến hành đại hội đại biểu doanh nhân họ Lê toàn quốc vào thời gian thích hợp.
 
 holevn8.jpg
 
Ban Chấp hành Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
Ngay từ khi ra mắt, HĐHL nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng công tác tập hợp đội ngũ doanh nhân họ Lê trong tỉnh, thành của mình để xây dựng CLB Doanh nhân họ Lê. Đến nay, đã có 12 HĐHL tỉnh, thành phố xây dựng được CLB Doanh nhân họ Lê như: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Bình,Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế.
 
CLB Doanh nhân HĐHL các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương…hoạt động có hiệu quả, bước đầu kết nối, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc duy trì hoạt động của hội đồng, tài trợ xuất bản bản tin HĐHL tỉnh, thành phố, ủng hộ Quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng nhà thờ họ, giúp các gia đình họ Lê bị thiệt hại do bão lũ…
 
Ông Lê Liên - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam, nhấn mạnh: “Thành lập CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam là việc làm cần thiết, nhằm kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê trong toàn quốc, tập hợp đội ngũ doanh nhân đông đảo để hợp tác kinh tế, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý điều hành của doanh nghiệp, giúp đỡ nhau ổn định sản xuất kinh doanh, cùng nhau xây dựng các ý kiến đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm phản biện xã hội xây dựng các chính sách phù hợp giúp cho các doanh nghiệp phát triển. Với mục đích tốt đẹp đó, CLB Doanh nhân họ Lê Việt Nam đã và đang phát triển thuận lợi”.
 
Thắt chặt quan hệ với các dòng họ bạn
 
Những năm gần đây, nhiều dòng họ đã xây dựng tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Quan hệ chặt chẽ với các dòng họ bạn được thường trực HĐHL Việt Nam, HĐHL các địa phương coi là việc làm cần thiết, góp phần tích cực vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Ở các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, liên kết thực hiện nhiệm vụ chung của xã hội giữa họ bà dòng tộc họ Lê với các dòng họ khác diễn ra thường xuyên với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực.
 
holevn9.jpg

 Lẵng hoa của Hội đồng họ Lê các tỉnh, thành chúc mừng Đại hội lần III, Hội đồng họ Lê Việt Nam (nhiệm kỳ 2018 - 2023).
 
Từ năm 2014, khi đại hội, ra mắt HĐHL các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi…đại hội, ra mắt HĐHL nhiều huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, Ban tổ chức đều mời đại biểu các dòng họ như: Trần, Nguyễn, Phan, Bùi, Trương, họ Hoàng-Huỳnh, họ Phạm, họ Vũ - Võ, họ Đỗ - Đậu, họ Đặng, họ Hồ, họ Ngô, họ Dương, họ Trịnh, họ Trương, họ Đinh, họ Đoàn…tham dự.
 
HĐHL Việt Nam,  HĐHL các tỉnh, thành phố, đến cấp huyện, cấp xã cũng đã nhiều lần cử đại biểu tham gia các hoạt động của các dòng họ bạn, được các dòng họ bạn đánh giá cao về tổ chức, nền nếp sinh hoạt, các nội dung hoạt động phong phú, đạt hiệu quả cao của họ Lê Việt Nam.
 
Theo ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam: “Nổi bật trong hoạt động quan hệ với các dòng họ bạn là cuộc họp đại diện ba dòng họ Lê, Trịnh, Nguyễn vào ngày 27 - 10 - 2017 tại Vĩnh Phúc. Cuộc họp bàn về điều kiện, khả năng tập trung trữ lượng di sản của ba họ Lê - Trịnh - Nguyễn tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng các di sản liên quan trên toàn quốc và nước ngoài cần phục dựng, tôn tạo, trùng tu. Ba họ nhất trí cam kết phối hợp bảo vệ di sản lịch sử văn hóa, hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần, vật chất”.
 
Đạm Quang Lê (TVĐT)