CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI                                                                                                                     CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI
date

Kỷ niệm 1.770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Đăng lúc: 00:00:00 09/04/2018 (GMT+7)

Sáng 7-4, tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 1.770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và lễ hội Bà Triệu năm 2018.

trieuthitrinh1.jpg
 
Các đại biểu thành kính tri ân Anh hùng liệt nữ Triệu Thị Trinh.
 
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
 
Sinh ra, lớn lên ở vùng núi Quan Yên (huyện Yên Định), Triệu Thị Trinh có khí phách: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.
 
Triệu Thị Trinh cùng anh Triệu Quốc Đạt chiêu mộ, rèn luyện quân sĩ, phất cờ khởi nghĩa vào năm 248. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo nhân dân Cửa Chân hưởng ứng, lan tỏa ra quận Giao Chỉ. Nhà Ngô lo sợ, cử tướng Lục Dận cầm quân đàn áp và trong một trận quyết chiến với giặc, Bà Triệu ngã xuống ở núi Tùng, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.
 
 
trieuthitrinh2.jpg
  
Chính điện đền Bà Triệu.
 
Khắc ghi công lao, tôn vinh bản lĩnh, khí phách của người Anh hùng liệt nữ, tại đây, các thế hệ đã xây dựng lăng mộ, đền thờ Bà Triệu và khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật này đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
 
Ôn lại thân thế, sự nghiệp của Bà Triệu, diễn văn kỷ niệm do lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trình bày nhấn mạnh: Khởi nghĩa Bà Triệu ghi trang sử vàng chói lọi, sáng ngời truyền thống yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta. Anh hùng liệt nữ Triệu Thị Trinh đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của Hai Bà Trưng, làm vẻ vang truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam.
 
Về dự lễ kỷ niệm 1.770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân người Anh hùng liệt nữ. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nổi trống khai hội Bà Triệu năm 2018.
 
trieuthitrinh3.jpg
 
Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Lời thề trinh nữ”.
 
Năm nay, ngoài được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “Lời thề trinh nữ”, khách thập phương còn được tham quan lễ rước kiệu truyền thống, tế lễ của các bản hội, biểu diễn văn nghệ của các làng văn hóa, tham dự các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu thể dục thể thao.
 
Lễ hội Bà Triệu ở Thanh Hóa gắn kết với các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long, Quảng Ninh, góp phần kết nối, quảng bá, khai thác, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo, đưa văn hóa Việt Nam thấm sâu, tỏa lan, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Mai Luận (NDĐT)