CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI                                                                                                                     CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI
date

Một ngày với núi Nưa xứ Thanh

Đăng lúc: 20:21:36 20/04/2018 (GMT+7)

Tôi có việc đến tỉnh Thanh mấy ngày. Xong công việc chung, một sáng tôi cùng mấy bạn làng văn làng báo xứ Thanh thuê chuyến xe lên thăm Am Tiên trên đỉnh núi Nưa. Đường từ thành phố đến Am Tiên chừng 30 km…

Nói đến Am Tiên núi Nưa linh thiêng thì tôi đã “văn kỳ thanh” từ lâu. Trước hết là câu chuyện lịch sử về anh em Triệu Quốc Đạt - Triệu Thị Trinh đã từ vùng núi Nưa dấy binh chống quân Ngô vào nửa đầu thế kỷ III. Nhưng với tôi, ấn tượng hơn cả là truyện truyền kỳ “Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa” của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI). Đại khái câu chuyện kể về nhân vật người ẩn sĩ, người quay lưng lại với thời thế, người lánh đục tìm trong, cầu đạo tu tiên, tìm về chốn non xanh cảnh vắng “Nhân giả nhạo sơn…” (Bậc nhân giả vui với núi non…). 
 
Nhà người tiều phu - ẩn sĩ lánh đời ở về phía cuối con đường thẳm: “Ngẩng lên trông, tà dương đã gác đầu núi, cây cỏ đã bắt đầu lờ mờ...”, sống giữa nơi: “Chống gậy trèo lên thì thấy có một cái am cỏ, hai bên tả hữu trồng mấy cây kim tiền chen lẫn vào những cây bích đào, hồng hạnh, đều xanh tốt đáng yêu. Trong am đặt một cái giường mây, trên giường để đàn sáo và chiếc gối dựa”, “Chỗ này quạnh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn”… quả đã khơi gợi sự hiếu kỳ trong lòng hậu thế.  
 
amtien1.JPG
 
Đường vào núi Nưa (Thanh Hóa)
 
Bên cạnh những ghi chép về núi Nưa trong các sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782 - 1840), “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn), tôi chợt nhớ đến du ký “Am Tiên” của Hoàng Minh in trên “Tri tân tạp chí” xuất bản tại Hà Nội cách ngày nay đã gần tám chục năm (số 31, ra ngày 14/1/1942, tr.17-18). Nay xin trích mấy đoạn ghi chép về Am Tiên – núi Nưa:
“Cái tên Am Tiên đã gợi đủ tính tò mò và rũ quyến tôi ngay từ khi tôi mới bước chân đến làng Cổ Định (cách Thanh Hóa 26 cây số)(...)
Am Tiên cách Cổ Định chừng năm cây số. Phải trèo qua ba quả núi. Mấy người bạn và tôi bắt đầu ra đi từ 8 giờ sáng. Chúng tôi đi theo sườn núi Nưa, lên dần mãi, qua ngọn núi này sang ngọn núi khác. Đường đi vằn vèo, lởm chởm những đá. Lau, sậy, nứa, giang mọc bum lùm.
 
Am Tiên ở trên một ngọn đồi bằng phẳng, rộng có lẽ đến ngàn mẫu. Toàn một giống cỏ tranh mọc cao ngang đầu. Ngọn đồi cao hơn 500 thước tây. Đứng trên có thể nhìn thấy bãi biển Sầm Sơn với những hàng phi lao vút lên trời và Thanh Hóa với những vết tường vôi trắng xóa. Khí hậu mát quá, nhất là về mùa hè.
 
Am Tiên, trước đây mấy ngàn năm, có lẽ là một thắng cảnh to tát lắm! Dưới những “nhát búa của thời gian”, Am Tiên bây giờ chỉ còn là một nơi hoang tàn, hiu quạnh, để hàng năm nắng dõi với trăng soi. Bây giờ chỉ còn đôi chút vết tích sót lại. Hay nói cho đúng, Am Tiên bây giờ tức là một cái lều tranh mà một người dân ở vùng này mới dựng lên để ghi lại cái dấu vết của ngàn xưa. 
 
Trong Am chúng tôi thấy một tòa sen bằng đá, chạm trổ rất tinh vi, xung quanh tòa sen chỉ còn những miếng đá vuông kê cột nhà, cái còn nguyên, cái sứt vỡ. Trước cửa Am, cách xa độ ba bốn bước, một con rùa đá đội bia đã sứt cả đầu đuôi và một mảnh khánh đá. Chúng tôi lấy miếng gỗ gõ vào thấy kêu như tiếng chuông (...).
 
Chúng tôi lẳng lặng cùng nhau đi trên những dấu vết ngàn xưa. Không biết từ mấy ngàn năm, mấy trăm năm về trước, chỗ này đã có một thời oanh liệt. Biết đâu trong lòng trái đồi này còn ngậm bao dấu vết của tiền nhân? (…) Chúng tôi đi, lòng buồn rười rượi, sống lại với cả một lớp người xưa mà nay không còn một chút vang bóng!”...
 
Trên thực tế, núi Nưa bắt nguồn từ dải Trường Sơn theo hướng Tây Bắc và thấp dần về phía Đông Nam, giáp giới cả ba huyện Triệu Sơn - Nông Cống - Như Thanh. Quần thể khu di tích Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên có tổng diện tích khoảng 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên thuộc xã Tân Ninh (Triệu Sơn) rộng tới 4 ha. Đường lên Am Tiên bây giờ thuận lắm. Xe men theo cả chục cây số ven chân núi bằng phẳng với mấy bóng xà cừ đại lão, những cánh rừng bạch đàn và keo lá mít. Đôi lúc lại thấy thấp thoáng những hồ nước, những tòa nhà cao rộng và xưởng máy, không rõ sản xuất thứ gì? Cách vài ba cây số, xe bắt đầu ngược dốc nhưng vẫn là đường rộng, trải bê tông, xung quanh vẫn có máy đang san ủi, bạt cả một góc núi. Đường này gọi là đường “dân làm”. Thì ra trước đây, muốn lên Am Tiên du khách phải đi bộ theo đường mòn dài khoảng 5 cây số và mất hơn 3 giờ. Suốt mấy năm nay, có người dân trong vùng bỏ mấy tỉ bạc lo mở đường nên gọi đường “dân làm”. Tôi vẫn băn khoăn quá, khu di tích tâm linh thắng cảnh nhường này, con đường bê tông rộng rãi thế này, sao không có quy hoạch bề thế mà lại là “dân làm”?
 
Đường lên đỉnh núi vẫn có những cụm lau trắng phơ phất nhưng chẳng còn bao nhiêu. Trên đỉnh núi thấy trồng nhiều bạch đàn và keo. Có mấy đàn bò nhẩn nha gặm cỏ. Tính ra mới lên đến đỉnh núi cao 538 mét mà đã thấy ù tai. Xe vào đến tận cổng đền. Bên cổng đền có dãy lán tựa như quán chợ quê, chắc chỉ bán vào những ngày lễ hội, tuần rằm. Cổng đền có hàng chữ to kính chào quý khách, quang cảnh na ná như vào nhà hàng mới khai trương. Hôm ấy là thứ sáu. Suốt cả buổi sáng cho đến trưa chặt, tính ra được khoảng trăm khách đến vãn cảnh Am Tiên. Chúng tôi gặp thầy Sơn là người trông coi Am Tiên, dáng chừng mới ngoài năm mươi tuổi. Anh nói nhà đã ba đời trông coi Am Tiên này. Thời chiến tranh chống Mỹ vẫn còn ngôi đền hai gian, cột gỗ, mái ngói. Ông nội anh có trồng cây đa nhưng dân quân trực chiến nấu bếp ngay bên cạnh khiến cây bị chết. Suốt ba chục năm nay, gia đình chung tay chuyển dần từng viên gạch, từng cân xi măng mới xây dựng lại được khu Am Tiên này. Gọi là Am Tiên nhưng ở đây có cả chùa, cả miếu, cả đền thờ tiên thánh, sơn thần thổ địa và cả Bà Triệu “Vú dài ba thước cưỡi voi đánh cồng”… Mỗi bước đi ở đây là tầng tầng lớp lớp những huyền thoại, những câu chuyện cổ, những dấu tích xa xưa nhưng nếu không có người thuyết minh, chỉ dẫn thì du khách cũng đành chịu…
 
Từ tổ hợp nhà thờ Tam giáo Nho – Phật – Đạo, chúng tôi đi ngược lên vài ba trăm mét thì đến nơi được gọi là huyệt đạo, nơi khí thiêng giao hòa trời đất. Huyệt đạo nằm trên đỉnh góc núi chỉ rộng vài chục mét vuông với mấy phiến đá nổi, ở trên mới đặt bàn đá, đỉnh đá và cây thiêu hương thay cho chiếc bàn gỗ cũ xộc xệch vẫn ngự ngay bên cạnh. Tôi chắp tay đi ba vòng men theo hàng rào tre đơn sơ quây tròn xung quanh. Sau mới nghe nói, người đi quanh chín vòng và ngồi thiền thì có thể cảm nhận thấy luồng khí thiêng trong lành lưu chuyển. Ở đây không có cây to, hầu như chỉ có loài cỏ tranh và thảo mộc nhỏ. Sự thật, người đứng ở đây thì đúng là nhìn được bốn phương tám hướng, thu vào tầm mắt tất cả núi rộng sông dài và đặc biệt được hưởng làn gió thật trong lành, dịu nhẹ. Từ đây có thể trông thấy huyện Triệu Sơn bằng phẳng nối dài về phía bắc, thấy vùng biển Sầm Sơn mờ xanh ở phía đông, thấy rõ vườn Quốc gia Bến En, sông Mực thuộc huyện Như Thanh ở phía Tây Nam… Vào đêm giao thừa, vào ngày mở huyệt đạo đất trời 9 tháng Giêng hay dịp lễ hội từ 18 đến 20 tháng Giêng hàng năm, quan chức và chúng dân xứ Thanh vẫn tìm về đây cầu cho quốc thái dân an, mong cho mưa thuận gió hòa, công thành danh toại, thân tâm an lạc, phúc lộc an khang. 
 
Tương truyền nước Việt ta có ba huyệt đạo, một ở núi Đá Chông – Ba Vì (Hà Nội), một ở núi Nưa đây và một ở núi Bà Đen (Tây Ninh), có thuyết còn thêm hai huyệt đạo Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Yên Tử (Quảng Ninh). Rất may mắn là tôi đã được đến viếng cả năm vùng đất thiêng này rồi.
 
Sau khi thăm huyệt đạo, chúng tôi ngược qua khu đền thờ Am Tiên rồi rẽ trái xuống nơi giếng Tiên chỉ cách đôi ba trăm mét. Lối đi đã được đổ bậc bê tông, một bên thấy toàn bồ đề và xà cừ to, một bên thấy toàn tre. Giếng Tiên bây giờ đã được kè lại. Đang là mùa cạn, nước chỉ xâm xấp vài ba gang tay. Ngay bên cạnh có ngôi đền nhỏ. Ông thủ từ cho biết ở đây rất nhiều rắn, nhất là loài rắn lục cực độc. Thế nhưng chúng lại rất lành, chưa thấy cắn ai bao giờ. 
 
Được biết ngay nơi Am Tiên này còn bao nhiêu truyền thuyết, bao nhiêu điểm di tích, nào bàn cờ Tiên, nào chùa Tiên, giếng Tiên, ao Hóp, vườn Đào Tiên, vườn thuốc Tiên; nào chuyện đạo sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật, sau hóa chim hạc bay về trời; lại có chuyện Cao Biền trấn yểm huyệt đạo Am Tiên bất thành; rồi chuyện ẩn sĩ triều Trần và việc phối thờ Bà Triệu nữa… Dọc dài dưới chân núi Nưa còn nhiều đền thờ danh tướng Bà Triệu, Nội vệ Thượng tướng Trần Khát Chân, Luật Quận công Lê Thận… 
 
Thật đáng tiếc chốn Am Tiên linh thiêng và cả vùng núi Nưa hữu tình này vẫn còn hoang sơ, chưa được quy hoạch, đầu tư hợp lý, bài bản. Rất cần nhiều điểm nhấn và sự liên kết giữa các điểm di tích, kể cả sự nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa – văn học dân gian, hệ thống truyền thuyết và một chiến lược qui hoạch tổng thể, bền vững…
 
Khi xuống dưới chân núi, chúng tôi dừng lại một quán nhỏ ven đường, bên cạnh một ngôi đền cổ. Cuộc chuyện trò với anh Thanh, một doanh nhân - chuyên gia khai khoáng, tôi mới được biết thêm vùng núi Nưa này là cả một mỏ sa khoáng cromit rộng lớn. 
 
Hóa ra mấy nhà máy, xí nghiệp kia đều xa gần có liên quan đến việc khai thác, chế biến cromit.
 
 
 
Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn