CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI                                                                                                                     CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN CỦA ĐỒNG HƯƠNG TỈNH THANH HÓA TẠI HÀ NỘI
date

Hàng vạn du khách đi quanh huyệt đạo cầu may trên đỉnh ngàn Nưa

Đăng lúc: 08:25:57 16/04/2018 (GMT+7)

Những ngày đầu năm, hàng vạn du khách thập phương tìm về khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên để đi quanh huyệt đạo thiêng trên đỉnh ngàn Nưa để cầu may.

 Am Tiêm 1.jpg
Đông đảo du khách thập phương kéo về ngàn Nưa trẩy hội ngày mùng 4 Tết

Nằm cách trung tâm Tp.Thanh Hóa chừng 30km về hướng Tây, núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”, được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha. Đỉnh ngàn Nưa có đền Am Tiên là ngọn núi cao nhất trong vùng với độ cao 538 m so với mực nước biển.
 
Ngàn Nưa những ngày đầu năm mới đông vui hơn bao giờ hết, ngay từ mùng 1 Tết, nơi đây đã đông kịt du khách thập phương kéo về trẩy hội. Là một trong 3 huyệt đạo thiêng của cả nước, huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam.

Am Tiêm 2.jpg
Ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời, thế nhưng ngay từ những ngày đầu năm, đã có rất đông người đến tham quan, trẩy hội.

Theo lời kể của các bậc cao nhân, huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng. Ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm là ngày mở cửa trời. Đây chính là nơi giao hòa giữa đất và trời. Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại. Cũng chính vì lẽ đó, những ngày đầu năm mới, đông đảo du khách thập phương kéo về ngàn nưa để đi vòng quanh huyệt đạo cầu may mắn, tài lộc.
 
 
Am Tiêm 3.jpg
 Huyệt đạo thiêng trên đỉnh ngàn Nưa được cho là một trong ba huyệt đạo thiêng nhát cả nước

Tương truyền, thời nhà Đường có tướng Cao Biền được cử sang cai trị nước ta, thấy nơi đây có hình sông, thế núi linh thiêng, long mạch rất vượng, nên muốn phá đi. Cao Biền thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả lập đàn cúng tế lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Khi bay đến Ngàn Nưa, Cao Biền đã tìm cách trấn yểm huyệt đạo này nhưng thất bại.
 
Có mặt tại khu lịch sử Quốc gia Am Tiên vào ngày mùng 4 Tết, theo ghi nhận của Pv Báo Giao thông, từ dưới chân núi Nưa, hàng vạn du khách thập phương nối đuôi nhau lên đỉnh núi để vui xuân, trẩy hội. Con đường bê tông dài hơn 3km từ chân núi lên đỉnh ngàn Nưa lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp du khách lên xuống. 

 
Am Tiêm 4.jpg
Đông đảo du khách đi quanh huyệt đạo thiêng để cầu may.
 
Không chỉ nổi tiếng bởi huyệt đạo thiêng, Am Tiên - núi Nưa còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa năm 248 của Bà Triệu chống  giặc Ngô xâm lược. Nơi đây còn có tên gọi khác là Kinh Triệu Quận (tức là Kinh đô của Bà Triệu). Để tri ân lớp người thiên cổ, du khách tới đây đều không quên vào dãy điện thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, vua Bà, đền thờ ông Tu Nưa thắp nén hương tỏ lòng thành kính.
 
Am Tiêm 5.jpg
 
Điểm đến cuối cùng của du khách đó chính là huyệt đạo thiêng nằm trên đỉnh ngàn Nưa. Theo quan sát, huyệt đạo thiêng là một quãng đất trống, bằng phẳng rộng khoảng 100m. Đứng tại đây, du khách được dịp mãn nhãn bởi không gian tĩnh lặng, đẹp đến nao lòng. Những ngày này, sương mù bao phủ toàn bộ đỉnh núi khiến không gian nơi đây như đẹp như trốn bồng lai tiên cảnh, “Sapa” trên đỉnh ngàn Nưa.
 
Nguồn: Theo http://www.baogiaothong.vn